Tạo bởi xnkhd.web | Tin tức | 2079 ngày trước
Mặc dù được coi là “sang chảnh”, có mức giá khá rẻ nhưng những chiếc ô tô Trung Quốc vẫn bán rất chậm tại thị trường Việt Nam. Trong suốt nhiều năm, thị trường Việt Nam đã đón nhận nhiều thương hiệu xe ô tô lớn nhỏ. Đa phần, các thương hiệu còn tồn tại trên thị trường Việt Nam là vì những thương hiệu đó đều được đánh giá cao cả về chất lượng lẫn mẫu mã. Trong thời gian ấy, cũng không ít các thương hiệu của Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam theo nhiều hình thức, liên doanh, nhập khẩu và có cả tư nhân.
Thế nhưng, chẳng lâu sau những thương hiệu này cũng lần lượt dứt áo ra đi không một lời từ biệt. Nguyên nhân, thương hiệu xe của Trung Quốc thất bại ở thị trường Việt Nam tập trung ở 3 yếu tố: Thương hiệu, chất lượng xe và khâu sau bán hàng. Dù xe từ người “hàng xóm” rẻ hơn rất nhiều so với các thương hiệu khác nhưng vẫn không thể thành công chinh phục người dân Việt Nam.
Dù ở hiện tại, những thương hiệu xe của Trung Quốc vẫn kinh doanh tại Việt Nam nhưng không còn nhiều như trước. Thời gian gần đây, chiếc ô tô Trung Quốc BAIC Q7 bỗng trở thành “hiện tượng” khi được nhiều người chú ý tới nhờ mức giá rẻ, được cho là “sang chảnh” theo kiểu quý tộc, có nét giống chiếc Porsche và Range Rover. Chiếc BAIC Q7 được bán ở Việt Nam với giá 675 triệu đồng, song lại sở hữu đầy đủ các tính năng như các dòng xe sang khác với cửa sổ trời, đèn LED, ghế chỉnh điện, hai màn hình lớn, 6 túi khí,...
Mẫu xe SUV Zotye Z8 gần đây nổi lên ở Việt Nam có giá là 728 triệu đồng, ngang ngửa một chiếc sedan của Nhật Bản. Mẫu xe này nổi bật với thiết kế sang trọng như các mẫu Range Rover, là xe 5 chỗ nhưng kích thước to lớn và khá sang trọng, chưa kể đi kèm nhiều tính năng cao cấp như cửa hít, bậc lên xuống bằng điện, camera 360 độ, màn hình tốc độ dạng LCD, hệ thống giải trí với màn hình cỡ lớn như xe Tesla, cửa sổ trời Panorama...
Trên thực tế, nền công nghiệp ô tô nội địa Trung Quốc phát triển rất mạnh mẽ, quy mô được đánh giá lớn, nhiều thương hiệu có thể sánh ngang được với các thương hiệu nước ngoài.
Tuy nhiên, với tâm lý “hàng Tàu” của người Việt thì hàng Trung Quốc vẫn là một rào cản khiến các thương hiệu ô tô Trung Quốc tiêu thụ vô cùng chậm, dẫn đến việc các chủ doanh nghiệp nhập về rất ít. Bên cạnh, tâm lý “e ngại”, một phần lý do nữa mà người Việt thà mua xe cũ còn hơn là mua xe mới của Trung Quốc là bởi hệ thống phân phối ít. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ tập trung nhập xe về chứ không chú trọng việc xây dựng hệ thống phân phối, khiến người mua lo ngại vấn đề bảo hành, bảo dưỡng.
Có thể nói, Ô tô Trung Quốc không hề có ý định từ bỏ thị trường Việt Nam, các mẫu xe được thiết kế ngày càng bắt mắt, giá thành ngày càng phù hợp với người dân Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng muốn làm “chuột bạch”. Tính đến nay cũng được 10 năm kể từ khi ô tô Trung Quốc xuất hiện ở Việt Nam. Những người đã từng sở hữu chiếc xe BYD F0, Chery QQ3, Lifan 502,... sau khi mua đã rất thích thú với mẫu xe này nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì cái giá phải trả cũng không nhỏ khi nhiều chi tiết nhất là phần điện tử hay hỏng, nội thất nhanh xuống cấp. Ban đầu mới mua thì xe chạy khá tốt nhưng chỉ sau một thời gian thì những nhược điểm của “hàng Tàu” bắt đầu lộ ra: hay chết máy, cầu chì đứt liên lạc, hệ thống điện chập chờn và bộ gầm nhanh bẩn khiến người lái xe không dám đi nhanh. Không dừng ở đó, với tâm lý “hàng Tàu nhanh hỏng” thì việc bán lại cũng chẳng được giá, thậm chí chẳng có ai mua. Với những kinh nghiệm của những người đã từng sở hữu chiếc xe của Trung Quốc, thì những chiếc xe gần đây được ra mắt có kiểu dáng bắt mắt, giá rẻ thì không ai cũng dám “xuống tiền” ngay để mang về cho mình một chiếc xe Trung Quốc.
Trên thực tế, ô tô con Trung Quốc tại Việt Nam khó có thể tạo dấu ấn do ngay từ thương hiệu đã yếu thế và mờ nhạt hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh Hàn, Nhật, Châu Âu… về cả chất lượng lẫn mẫu mã. Ô tô Trung Quốc có lẽ vẫn chỉ được khách hàng Việt Nam chấp nhận ở phân khúc xe tải.
Xem thêm: "Giật mình" về hàng gia dụng nội địa Trung Quốc