Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Tạo bởi xnkhd.web | Tin tức | 1869 ngày trước

Thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các vua Hùng, nhắc nhở người dân Việt Nam cần phải nhớ về cội nguồn của mình.

Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

Ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Để ghi nhớ công ơn các vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đến đời vua Lê Kính Tông năm 1601, đã đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.




Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các vua Hùng, nhắc nhở người dân Việt Nam cần phải nhớ về cội nguồn của mình.

Vào ngày 6/12/2012, việc Giỗ Tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận đây là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Hùng Vương là cách gọi của các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt. Theo truyền thuyết, Hùng Vương thứ I là con trai của Lạc Long Quân, lên ngôi năm 2879 TCN, đặt quốc hiệu nước là Văn Lang. Bộ máy nhà nước được hình thành, truyền đời cho nhau đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (An Dương Vương) chiếm.




Nghi lễ khi tưởng niệm các vua Hùng ghi rõ Lễ bao gồm 18 chiếc bánh chưng, 18 chiếc bánh dày, hương hoa, nước, trầu, cau rượu và ngũ quả.

Lý do gì hai loại bánh được coi là món bánh đặc trưng của ngày Tết lại trở thành lễ phẩm không thể thiếu khi tưởng niệm vua Hùng?




Thực tế hai loại bánh này đều xuất hiện vào thời vua Hùng. Chuyện kể rằng vào dịp đầu năm mới, vua Hùng muốn truyền ngôi cho con mình, liền truyền ý chỉ rằng: Trong các con, ai có món quà vừa ý trầm thì sẽ truyền ngôi cho người đó. Các hoàng tử đều chuẩn bị các món sơn hào hải vị, chủ duy nhất người con út của vua Hùng tên là Lang Liêu. Vị hoàng tử này mất mẹ từ bé nên không có ai giúp đỡ, không biết chọn món quà nào.

Một đêm nọ, Lang Liêu mơ thấy một vị thần hiện lên nói rằng: Trời đất không có gì quý bằng hạt gạo, hãy lấy gạo nặn thành hình tròn và vuông tượng trưng cho đất và trời, nhân bánh tượng trưng cho sự công ơn sinh thành của cha mẹ. Không chỉ vậy, gạo còn là thực phẩm nuôi sống người dân nên gạo rất quý. Khi dâng lên, Lang Liêu cũng kể lại giấc mơ, vua Hùng nghe vậy liền nghĩ rằng Thần đã giúp vua chọn ra được vị Thái tử, liền truyền ngôi cho người con út này.

Những hoạt động trong lễ hội Đền Hùng

Lễ hội Đền Hùng kéo dài từ mùng 8 đến hết ngày 11 tháng 3 âm lịch, trong đó mùng 10 là chính hội. Cũng như mọi lễ hội khác ở đồng bằng Bắc Bộ, ở lễ hội gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội.

Phần lễ được cử hành rất long trọng mang tính quốc tế. Sau một hồi trống vang lên, các vị quan chức vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ, tiếp theo là các bô lão ở làng xã quanh Đền Hùng, cuối cùng là người dân và du khách.




Sau phần lễ là đến phần hội, năm nào cũng tổ chức cuộc thi kiệu của các làng xung quanh. Các cỗ kiệu của các làng phải được tập trung trước vài ngày mới kịp hội thi. Cỗ kiệu nào được giải nhất thì vào kỳ hội sang năm sẽ được thay mặt các cỗ kiệu còn lại rước lên đền Thượng để triều đình cử hành quốc lễ. Người dân tin rằng nếu cỗ kiệu làng nào được rước thì năm đó sẽ được các Thần linh, các vị vua Hùng phù hộ và đem lại may mắn cho cả dân làng.




Trong hội đền Hùng có tiến hành nghi lễ hát thờ (tục gọi là hát Xoan) – một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Hát Xoan xưa kia được gọi là hát Xuân và có từ thời Hùng Vương và được lưu truyền rộng rãi trong dân cư của các làng xã quanh vùng. Điệu múa hát Xoan này được nhiều người ưa thích, đặc biệt là bà Lan Xuân, người vợ của vua Lý Thần Tông. Bà cảm nhận được âm hưởng dân ca đặc biệt và độc đáo của nó, nên đã cho sưu tầm và cải biên thành điệu hát thờ tại một số đền, đình làng thờ các vua Hùng.

Giỗ tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào.

Xem thêm: Đầu năm "rủ nhau thoát ế" tại các ngôi chùa ở Việt Nam

Những phong tục đón Tết Nguyên Đán kì lạ của dân tộc thiểu số