Đầu năm "rủ nhau thoát ế" tại các ngôi chùa ở Việt Nam

Đầu năm "rủ nhau thoát ế" tại các ngôi chùa ở Việt Nam

Tạo bởi xnkhd.web | Tin tức | 1870 ngày trước

“Có người yêu chưa?”, “Năm nay không đưa người yêu về ra mắt à?” hay “Bao giờ cho mọi người ăn cỗ?” là những câu hỏi muôn thưở của hàng xóm, họ hàng dành cho những cô gái, chàng trai chưa có người yêu. Đặc biệt là vào những dịp lễ Tết, khi bạn ở xa về với gia đình thì bạn lại càng được “quan tâm” hơn, điều đó thực sự khiến bạn rất khó chịu và nghĩ đủ mọi cách để tránh bị hỏi những câu hỏi đó. Một trong những cách để những người hàng xóm “thân thương” không hỏi những câu đó, nhiều nam thanh nữ tú đã chọn cách đi tìm một nửa của mình bằng việc đi cầu duyên tại các ngôi chùa.


Việc đi lễ chùa cúng bái là một phong tục lâu đời của người dân Việt Nam, đi để cầu may, cầu vận, cầu bình an, sức khỏe và còn cả cầu duyên nữa. Những ngôi chùa được mọi người đồn đại cầu duyên linh thiêng cũng dần trở nên nổi tiếng được nhiều người biết đến.




Người dân Hà Nội vẫn thường rỉ tai nhau về chùa Hà, nơi được coi là cầu duyên linh nghiệm nhất.

Đi thì lẻ bóng, về thì có đôi

Đó chính là câu nói quen thuộc dành cho chùa Hà. Chùa Hà (Chùa Bối Hà) hay còn được gọi là Thánh Đức tự, tọa lạc tại Giáp Bối Hà, thôn Trung, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức; nay là phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chùa được dựng lên thời nhà Lê để thờ Phật phái Đại thừa.




Vua Lý Thánh Tông đã đến các chùa Dịch Vọng như chùa Thôn Hậu, chùa Bối Hà mà sinh ra được thái tử Lý Càn Đức (Lý Nhân Tông), vì thế chùa Bối Hà được ban cho cái tên là chùa Thánh Đức.

Trong chùa có hai ban, ban đầu lúc mới đi vào cổng chùa sẽ thấy, ban đầu mọi người cầu bình an, sức khỏe, công việc… ban thứ hai thường các chàng trai chưa vợ, cô gái chưa chồng đến dâng lễ mong tìm được một nửa tình duyên còn lại, có những đôi lứa đang yêu nhau cũng đến chắp tay thành kính cầu cho tình duyên trăm năm hạnh phúc.

Truyền thuyết đều gắn liền với vị vua Lý Thánh Tông nhưng tuyệt nhiên không hề có câu chuyện nào liên quan đến tình yêu lứa đôi. Tuy nhiên, mọi người thường vẫn truyền nhau, thêu dệt nên hình ảnh Chùa Hà gắn liền với đường tình duyên. Người nọ mách người kia, người kia lại mách với người khác nên chẳng hiểu sao nơi đây bỗng trở thành ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng ở Hà Nội.

Những năm trở lại đây, với sự phát triển của mạng xã hội nhiều bạn trẻ biết chùa Hà và đến chùa cầu duyên nhiều hơn. Có thể có những câu chuyện của bạn trẻ thành đôi nhờ câu duyên ở đây lại càng khiến chùa linh thiêng hơn bao giờ hết.


Với Hà Nội thì có Chùa Hà, vậy Thành phố Hồ Chí Minh có chùa nào? Đó là chùa Bát Bửu Phật Đài hay còn có cái tên mà người dân vẫn thường quen gọi là Chùa “Phật Cô Đơn”.




Tháng 9 năm 1957, cư sĩ Ngô Chí Bình muốn mượn khuôn đúc tượng Phật để đúc tượng Phật cho Thanh Tâm Tự. Đến ngày 20/1/1957 thì tượng hoàn thành, tuy nhiên việc di chuyển tượng Phật lại vô cùng khó khăn, không thể di chuyển qua cửa ở tầng lầu Chùa Xá Lợi. Theo di cảo của Cư sĩ Ngô Chí Bình (1906-1987), pháp danh Thiện Bảo, thoạt đầu tiên tu theo Phật giáo, sau đó nhập môn Cao Đài năm 1965, cho biết ông phải nhờ đến nhiều đàn cơ của Phật, Tiên, Thánh hướng dẫn mới thực hiện được việc di chuyển tượng Phật từ chùa Xá Lợi về đến Thanh Tâm Tự.




Tháng 2 năm 1965, Bát Bửu Phật Đài bị cháy phần mái tranh do máy bay thả bom. Trải qua nhiều năm chiến tranh, bom đạn tàn phá xóm làng, thiêu rụi cả mái che Phật đài, chùa Thanh Tâm bị bom đạn san bằng, chỉ còn ngôi Phật đài với kim thân Đức Phật dù bị nhiều thương tích nhưng vẫn cứ sừng sững ở nơi hoang vắng không ai biết đến.

Khi hòa bình lập lại, năm 1976 chiến dịch thủy lợi phát động, dân chúng khi ấy phát hiện ra tượng Phật, họ chắp tay cúi lạy và ngắm nhìn với suy nghĩ: Tại sao giữa nơi hoang vắng lại có một tượng Phật. Và cái tên “Phật Cô Đơn” được đặt từ đó.




Hiện nay, Chùa Bát Bửu Phật Đài được coi là một ngôi chùa cầu duyên, do có cái tên độc đáo là “Phật Cô Đơn” nên nhiều người đến đây để khẩn cầu đức Phật hiển linh giúp họ tìm được một nửa còn lại của mình.

Chùa Hà và Chùa Bát Bửu Phật Đài vốn nổi tiếng là do mọi người truyền tai nhau, việc linh thiêng ở đây còn chưa được nhiều người chứng minh. Tuy nhiên, bao đời nay mọi người vẫn tin tưởng chọn nơi đây để gửi gắm tâm sự, cùng những hy vọng đi thì lẻ bóng về thì có đôi, cầu một năm bình an, thuận lợi.

Xem thêm: Những phong tục cổ truyền của người Việt Nam trong ngày Tết Nguyên Đán

Những phong tục đón Tết Nguyên Đán kì lạ của dân tộc thiểu số