Những phong tục cổ truyền của người Việt Nam trong Tết Nguyên Đán

Những phong tục cổ truyền của người Việt Nam trong Tết Nguyên Đán

Tạo bởi xnkhd.web | Tin tức | 1897 ngày trước

Không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ được xúng xính quần áo mới, được nhận lì xì Tết, Tết còn mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Là thời điểm chào đón năm mới, thể hiện sự trường tồn của trời đất, sự hài hòa của con người với thiên nhiên. Nhưng trên tất cả, Tết chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình.

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Chúng ta thường nhầm lẫn cho rằng Tết Nguyên Đán có nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc. Thực tế, khi nhà nước Văn Lang - Âu Lạc Hùng Vương, An Dương Vương đã hình thành nên những phong tục, tập quán của người Việt, trong đó có phong tục “ăn Tết” trong những ngày đầu năm mới.

“Tết” có nguyên nghĩa là “Tiết”. Văn hóa Việt Nam vốn là văn hóa nông nghiệp lúa nước, vì thế mà chia thời gian một năm thành 24 tiết khác nhau để đáp ứng nhu cầu canh tác. Trong đó, tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác mới, là tiết Nguyên Đán, sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.

 

 


Lại qua câu chuyện “Bánh Chưng-Bánh Dày” biểu tượng cho “ Trời tròn - Đất vuông” có thể thấy Tết bắt nguồn từ Việt Nam chúng ta, trước cả thời Tam Hoàng Ngũ Đế bên Trung Hoa.

Một vài nhà nghiên cứu Việt Nam và phương Tây hiện đại cho rằng trên lãnh thổ Trung Quốc (ngày nay) thời cổ đại có hai chủng tộc sinh sống là người Hán (Mongloid phương Bắc) ở lưu vực Hoàng Hà, người Bách Việt (Mongloid phương Nam) ở nam Dương Tử. Do đặc điểm thời tiết và địa hình, nền kinh tế sơ khai của người Hán là chăn nuôi du mục còn người Bách Việt trồng lúa nước. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng Tết là lễ hội nông nghiệp nên xuất xứ từ các dân tộc Bách Việt phương Nam còn người Hán chỉ tiếp nhận sau này.

Cũng như Khổng Tử đã từng viết trong sách Kinh Lễ: “ Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.

Điều đó càng khẳng định, Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Việt Nam, sau đó được người Trung Quốc du nhập và phát triển như ngày nay.

Những phong tục cổ truyền và những điều nên kiêng kỵ trong ngày Tết

Lễ cúng ông Công, ông Táo


 

 

Ông Công là thần Thổ Công, vị thần cai quản đất đai. Còn ông Táo là thần bếp, gồm hai ông một bà, họ có trách nhiệm theo dõi mọi việc xảy ra trong gia đình rồi trình báo cho Ngọc Hoàng.Vào ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng thu dọn nhà cửa, bếp núc, làm lễ đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời và nhờ các vị thần phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, may mắn. Ngoài ra còn một phong tục trong ngày này đó là thả cá chép, hoặc cá vàng ra sông để đưa các Táo về trời.

Dọn dẹp nhà cửa

 

 

Để đón tết, mọi nhà dọn dẹp, sửa sang và trang hoàng nhà cửa thật đẹp. Tất cả các đồ dùng trong gia đình đều được lau chùi sạch sẽ theo đúng nghĩa năm mới cái gì cũng phải mới. Thêm cây quất, cành đào (mai), câu đối… để làm cho không gian thêm sắc màu, ấm cúng.

Lễ giao thừa, tục xông nhà

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất của năm. Vào thời điểm giao thừa, các gia đình làm lễ Trừ Tịch để loại bỏ những điều không may mắn của năm cũ đi và đón lấy những điều tốt đẹp của năm mới đến. Đêm giao thừa, trên bàn thờ gia tiên thơm hương khói, đèn nến lung linh, các thành viên trong gia đình cung kính chắp tay lễ trước bàn thờ tổ tiên, cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, phát lộc phát tài.




Sau khi cúng xong, theo phong tục người xông nhà đầu năm là người đến nhà đầu tiên sau giao thừa. Người xông nhà theo tử vi phong thủy phải hợp với tuổi của chủ nhà để đem lại may mắn cho gia đình. Vì thế tuổi tác cũng rất quan trọng, cần phải hẹn trước để họ đến xông nhà.

Kể từ thời điểm bước sang năm mới, mọi người trong gia đình không nên xảy ra cuộc tranh cãi, giữ hòa khí thì cả năm mới hòa thuận, hạnh phúc. Hay về ăn mặc, nên mặc những bộ quần áo đẹp nhất, chỉn chu nhất cho bản thân, để năm mới cũng mang một màu sắc tươi mới, tràn đầy sức sống.

Chúc Tết

Chúc tết hay mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người. Theo lệ, thường thì vào mùng 1 con cái chúc tết ông bà, cha mẹ.

 


Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến. Trong những ngày đầu năm, thường thì từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3, mọi người đi thăm họ hàng, thầy cô, bạn bè để chúc những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới đến.

Tuy nhiên, đối với những gia đình có tang thì không nên đi chúc Tết vào mồng 1, bởi quan niệm những người đang có tang đi chúc Tết sẽ đem lại xui xẻo cả năm cho nhà người ta.

Những món ăn ngày Tết

Mỗi một miền đều có những món ăn ngày Tết đặc trưng nhưng đều không thể thiếu một món bánh mà được coi là biểu tượng ngày Tết, đó chính là bánh Chưng.

Miền Bắc có thêm xôi gấc, dưa hành muối, giò lợn hoặc giò tai lợn, thịt gà luộc, nem rán. Còn miền Trung có bánh Tét là một dạng của bánh Chưng nhưng được gói giống gói giò, có nem chua, dưa món, tôm chua, chả bò và thịt ngâm mắm. Cuối cùng là miền Nam có thịt kho nước dừa, củ kiệu tôm khô, bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt, dưa giá muối và lạp xưởng.

 

 

Ngoài việc làm các món ăn thì cách xếp đồ ăn vào bát đĩa cũng rất quan trọng. Nếu sử dụng đĩa tròn có ý nghĩa đầy đủ, trọn đầy hơn. Bên cạnh đó, việc làm rơi vỡ bát đĩa cũng có thể không tránh khỏi, nhưng trong ngày Tết mà làm vỡ thì mang ý nghĩa không tốt, xui xẻo vì thế nên cẩn thận để không làm rơi vỡ hỏng đồ gì để cả năm có thể may mắn, hạnh phúc.

Xem thêm: Trang trí nhà cửa ngày Tết theo phong thủy